Bạn phải làm việc này cho bé rất nhiều lần trong ngày, vì thế nên nói chuyện và hát cho bé nghe để bé yêu nhận thấy đó là một khoảng thời gian hứng thú, đồng thời chuẩn bị đầy đủ những thứ bạn cần trong tầm với sao cho bạn có thể thay tã cho bé càng nhanh càng tốt, vì đa số các bé đều không thích phơi trần mình ra ngoài.
Dùng tã giấy hay tã dùng lại?
Có 2 loại tã lót chủ yếu, tã dùng một lần và tã dùng lại. Những tã vải dùng lại mất thời gian giặt và khử trùng, nhưng tính ra rẻ hơn tã dùng một lần cho dù bạn có phải dùng xà bông hay sử dụng điện để giặt ủi. Và nó lại góp phần vào việc giữ gìn môi trường, vì tã giấy dùng một lần rất khó phân hủy sinh học.
Tã giấy thì tiện lợi hơn và dễ sử dụng hơn, vì chúng không cần giặt và khử trùng, tuy nhiên, nếu tính toán lại, chúng sẽ đắt hơn tã vải, không phân hủy sinh học và không an toàn cho môi trường sinh thái.
Khi nào nên thay tã cho bé?
Không có một công thức nhất định nào về thời gian về việc thay tã, mà bạn chỉ nên nhớ thường xuyên thay tã cho bé là được(thường là cách 4 giờ vào ban ngày và nhiều hơn một chút vào ban đêm). Một số bé có làn da nhạy cảm thì cần được thay tã ngay khi chúng bị ướt, đối với những bé khác, ta có thể thay tã ngay sau khi cho bú.
Chuẩn bị thay tã
Giống như chuẩn bị cho việc tắm, bạn cần chuẩn bị mọi thứ trong tầm tay trước khi thay đồ hay thay tã cho bé. Bạn cần chuẩn bị để bên cạnh bên thùng rác chứa tã dơ, một số bông gòn và một chậu nước ấm, một khăn mềm hoặc tấm thảm cho việc thay đồ cùng với tã sạch. Bạn có thể thay tã cho bé trên một tấm trải hoặc trên một khăn bông đặt trên sàn nhà. Nếu bạn thay tã cho bé trên bàn hay trên gường thì hãy luôn để một tay trên người bé. Khi đã thật sự tự tin, bạn có thể thay tã cho bé khi đặt bé trong lòng bạn.
Thay tã lót
Luôn luôn rửa sạch tay trước và sau khi thay tã. Thay tã dơ và dùng phần sạch phía trước để dọn sơ nếu con bạn đã tiêu tiểu vào tã. Quấn tròn tã và đặt sang một bên. Sau đó, nhẹ nhàng nâng chân bé lên, dùng bông gòn thấm nước ấm lau sạch một cách cẩn thận. Với bé gái, ta nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn có thể nhiễm vào đường vùng kín. Với bé trai thì lau sạch phần bìu và dương vật. Sau đó, lau khô lại bằng bông gòn hoặc khăn trước khi mặc tã sạch.
Kiểm tra tã dơ
Việc kiểm tra tã dơ là điều rất cần thiết, nếu phân khô, ta xem bé có uống đủ nước hay không. Lượng phân bé và chúng ra sao phụ thuộc vào chuyện bé bú sữa mẹ hay bú bình.
Hăm tã
Hăm tã là một tình trạng khó chịu có thể nảy sinh khi da của bé bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc với amoniac tiết ra từ các vi khuẩn có trong nước tiểu. Để tránh việc bé bị hăm tã, nhớ thay tã thường xuyên cho con và để cho phần mông của bé càng thông thoáng thì càng tốt. Sau khi tắm hoặc sau khi thay tã dơ và lau khô mông bé, hãy để cho bé chơi một tí trước khi mặc tã sạch.
Xử lý tã dơ
Cho dù bạn dùng tã giấy hay tã vải, cũng nên luôn bỏ phân vào bồn cầu, với tã dùng lại thì phần lót có thể xả đi, nhưng đừng bỏ tã giấy vào bồn cầu. Tã dùng lại nên bỏ vào một thau riêng để ngâm, trong khi tã giấy nên bỏ vào túi đựng tã dơ và vứt vào thùng rác.
Kết nối với bé
Hãy luôn nhớ là nên nói chuyện, hát và ngâm nga với bé trong khi bạn thay tã và hãy biến nó thành khoảng thời gian vui thích hơn là thực hiện nghĩa vụ. Việc thay tã có thể tạo cơ hội cho bạn massage cơ thể bé. Khi bé đã được vệ sinh sạch sẽ, trước khi mặc tã vào, bạn hãy massage bàn chân, cẳng chân và bụng bé.