CHA MẸ THƯỜNG NÓI: CÓ MỘT CHUYỆN ĐƠN GIẢN NHƯ THẾ MÀ CŨNG KHÔNG LÀM ĐƯỢC, MẸ THẤY CON SAU NÀY CHẲNG LÀM NÊN TRÒ TRỐNG GÌ ĐÂU!

Rất nhiều phụ huynh thường hay ca thán rằng: trẻ con hiện giờ lắm thứ phải lo thật, ngày xưa chúng ta còn nhỏ đầu phải để cha mẹ lo lắng nhiều như thế, vậy mà lớn lên đứa nào cũng thành người, ít nhất có thể tự quản lý bản thân, đâu có giống như trẻ con bây giờ, cẩu thả, bừa bãi, lôi tha lôi thôi… Cha mẹ nói là thế nhưng vẫn lẽo đẽo đi theo sửa soạn hết cái nọ đến cái kia cho con cái. Như vậy thì sao con có thể sửa những thói xấu đó được… Thực ra, tật xấu của con cái đều là do cha mẹ nuông chiều mà ra. Bởi vì trẻ một, hai tuổi thường thích nhặt đồ rơi dưới đất lên đưa cho cha mẹ, điều đó không phải vì chúng thích làm việc, giữ vệ sinh mà là vì chúng muốn chứng minh bản thân mình giỏi giang, nhằm giành được sự khen ngợi của mọi người. Nhưng rất nhiều cha mẹ không ý thức được điều này, không chú ý đến hành vi của trẻ. Không chú ý bồi dưỡng trẻ ngay từ khi còn nhỏ, sau này lớn lên ắt trẻ sẽ có thói quen vứt đồ đạc lung tung. Đến khi hành vi ấy trở thành thói quen xấu, cha mẹ có phê bình hay mắng mỏ cũng chẳng ăn thua gì.

CON LÀM TỐT LẮM!

VÍ DỤ THỰC TẾ

Cậu bé Khang 12 tuổi có một thói quen xấu, cứ tan học về nhà là cậu vứt hết cặp sách, giày, quần áo ra nền nhà phòng ngủ. Mặc dù, thỉnh thoảng Khang cũng cất đồ đạc vào đúng chỗ theo yêu cầu của mẹ nhưng đa phần đều là vứt lung tung khắp phòng. Mę Khang đã nhiều lần tìm cách chấn chỉnh thói quen xấu này của con trai. Nhưng dù nhắc nhở, mắng mỏ hay trừng phạt đều không ăn thua gì, Khang vẫn chứng nào tật nấy. 

Hôm nay, cuối cùng mẹ cũng thấy Khang không vứt đồ bừa bãi ra sàn. Mẹ chạy đến ôm lấy con trai rồi nói: “Con trai, con làm tốt lắm, con đúng là đứa trẻ ngoan!”. Khang mới đầu còn ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng tỏ vẻ tự hào với bản thân. Bởi vì cậu đã đặt đồ đạc đúng chỗ nên được mẹ khen ngợi. Kể từ đó về sau, cho dù làm gì Khang cũng nhớ đến lời khen của mẹ. Dần dần, cậu không còn vứt đồ đạc bừa bãi nữa.

LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA 

Nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng: “Nguyên tắc sâu sắc nhất của bản tính con người hi vọng người khác hiểu mình”. Điều này đặc biệt đúng đối với giáo dục trẻ em. Người mẹ trong câu chuyện trên đã làm khá tốt, dùng những lời khen ngợi và khuyến khích có chủ ý để loại bỏ thói quen xấu cho con.

CON LÀM TỐT LẮM!

Có nhiều đứa trẻ thường có thói quen vứt đồ bừa bãi, khiến cho căn phòng cứ lộn tung hết cả lên, cha mẹ suốt ngày phải đi theo sau dọn dẹp. Nhưng cũng có những đứa trẻ sắp xếp đồ đạc rất gọn gàng, không cần cha mẹ phải lo lắng. Thực ra, cho dù là thói quen nào đi chăng nữa cũng đều không phải là bản năng, mà là được hình thành trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Thông thường, trẻ không có thói quen tự thu dọn đồ đạc của mình. Nếu cha mẹ không chú ý bồi dưỡng thói quen này mà thay trẻ làm hết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự lập của trẻ.

Để giúp trẻ hình thành thói quen gọn gàng, cha mẹ có thể thử những cách sau:

THỨ NHẤT: Không đoái hoài

Để mặc trẻ vứt đồ đạc bừa bãi dưới sàn, khi nào cần, trẻ tìm không thấy, lúc này cha mẹ mới cùng trẻ thu dọn, đặt đồ đạc về chỗ cũ rồi để trẻ so sánh, biết được kết quả nào (ném bừa ở dưới đất hoặc thu dọn gọn gàng) là tốt hơn, dần dần trẻ sẽ khắc phục được thói quen xấu.

THỨ HAI: Biến hành vi xấu thành hành vi tốt

Nếu trẻ thích vứt đồ đạc lung tung, cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ vài cái hộp giấy, bảo trẻ để hết đồ vào cái hộp giấy ấy.

THỨ BA: Phải để trẻ hiểu rằng vật ở đâu phải đặt lại chỗ ấy 

Cha mẹ có thể nói cho trẻ nghe những trật tự cần thiết ở trong nhà (đồ dùng nào đặt ở chỗ nào). Sau khi sử dụng cái gì xong phải đặt trở lại vị trí cũ, lần sau cần dùng tìm cái là thấy ngay.

THỨ TƯ: Cùng trẻ thu dọn

Thường xuyên rủ trẻ cùng dọn dẹp nhà cửa. Sau khi dọn dẹp xong, hai mẹ con cùng thưởng thức cảm giác vui vẻ khi hoàn thành nhiệm vụ. Để trẻ cảm nhận được cảm giác sảng khoái với sự ngăn nắp, sạch sẽ.

THỨ NĂM: Cần khen ngợi trẻ đúng lúc

Mỗi khi trẻ chủ động dọn dẹp, cho dù rất ít, cha mẹ cũng cần khen ngợi trẻ. Chính sự khen ngợi này có thể củng cố động lực hành động cho trẻ, khiến chúng cảm thấy hào hứng với việc dọn dẹp ngăn nắp, gọn gàng.

THỨ SÁU: Cần nêu gương cho trẻ

Cha mẹ nên lấy bản thân ra làm gương cho con cái. Bởi vì sống trong một môi trường sạch sẽ, trẻ sẽ không dám vứt đồ đạc bừa bãi. Lâu dần trẻ cũng hình thành thói quen chủ động dọn dẹp ngăn nắp đổ đạc.

Cùng bé yêu

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *