Có một người mẹ đặc biệt, để con gái nếm trải cảm giác không có nước, chị đã dẫn cô con gái vừa vào mẫu giáo từ nước Mỹ xa xôi đến một ngôi làng hẻo lánh ở Mông Cổ. Trên xe, chị cho con biết sắp tới một nơi không có nước, cô con gái muốn bắt chước lạc đà, sốt sắng chuẩn bị một bình chứa.
Ở thôn làng, hai mẹ con lấy một thùng nước trong cái giếng xem chừng cạn khô, đó là nước mưa đọng lại của năm ngoái. Dân làng cho họ biết, nước dùng hằng ngày rất khan hiếm, chỗ nước này phải sử dụng xoay vòng: trước hết dùng để rửa mặt, sau đó dùng để giặt quần áo, cuối cùng dùng chậu nước bẩn ấy cho lợn uống.
Con gái bảo: “Sao lợn có thể uống nước thế này?”.
Người mẹ hỏi lại: “Thế con cảm thấy nên cho chúng uống cái gì?”.
“Con cho chúng uống nước chanh, uống sữa bò”. Cô con gái ngây thơ nghiêng đầu trả lời. Khi người mẹ hỏi cô bé nước lấy lên từ giếng lúc này có thể uống được không, cô bé trả lời ngay: “Không thể uống, không sạch”.
“Nếu con rất khát thì sao? Nếu hai ngày con đã không uống nước thì sao? Cũng không uống phải không?”, người mẹ hỏi tiếp.
“Không uống”. Con gái trả lời không chút do dự. Thật sự nó đã không uống, nó uống không vô, tuy nó đã bắt đầu khát, thức uống mang theo trên người và sữa bò cũng đã uống hết.
Gia đình thôn quê này vài tháng nay, rau quả chỉ có khoai tây để tiếp khách phương xa tới, họ đặc biệt đi tới huyện mua hẹ về. Nhưng khi cô bé thấy họ rửa rau, cán bột bằng thứ nước mưa ấy, nó cự tuyệt không ăn cơm.
Nhưng, đối với nó, rốt cuộc thử thách lớn đến mấy cũng không bằng cơn khát khó chịu, thế là cuối cùng nó đã uống hớp nước đầu tiên kể từ hai ngày nay.
Vẫy tay chào tạm biệt, để ngôi làng nghèo khổ lạc hậu ấy lại sau lưng, nhưng vẫn lưu giữ mãi trong tim sự lĩnh hội sâu sắc. Người mẹ trẻ muốn cho con gái trải nghiệm, không chỉ là sự quý giá của nước, không phải là gọi điện đến cơ quan báo đài nói là: “Tôi muốn cống hiến tình yêu”, cũng không phải là quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện dưới ánh đèn huỳnh quang leo lét, mà là không thờ ơ, không xem thường sự tồn tại của những sinh mạng có điều kiện sống không bằng chúng ta, thông qua sự chân thành nỗ lực của mình để giúp đỡ người khác, đồng thời, cho con cái học cách xem trọng những gì mình có, trên đường đời xa xôi diệu vợi hãy sống bằng trái tim biết cảm kích.
Suy nghĩ của cha mẹ
Có lẽ con bạn sinh ra ở đô thị phồn hoa, có lẽ con bạn lớn lên ở một làng quê nghèo heo hút, những điều này đều không quan trọng, điều quan trọng là phải dạy con biết đương đầu với hoàn cảnh gian truân vất vả như thế nàο, mang trái tim biết cảm kích bước trên đường đời thăm thẳm như thế nào, nhận thức đúng đắn và nỗ lực làm một người có tình yêu, lạc quan giúp người như thế nào.
Đây là hòn đá tảng trưởng thành khỏe mạnh của con cái.