Chú bé đang giúp cha dời một số sách từ trên gác xuống lầu, nơi rộng rãi hơn. Chú bé cảm thấy giúp cha một tay là chuyện nên làm, tuy sự thật là chẳng những nó không giúp được gì mà trái lại còn làm vướng víu chân tay khiến công việc tiến hành chậm hơn.
Song cha của chú bé không chỉ là người kiên nhẫn mà còn hiểu biết. Anh biết để con trai tham gia công việc có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với hiệu quả dời một đống sách to.
Nhưng trong kho sách của người cha này có mấy quyển sách giáo khoa vừa dày vừa nặng, đối với con trai, muốn dời những cuốn sách này xuống lầu là một việc khá vất vả. Có lần, chồng sách mà chú ôm rơi mấy lần liên tiếp. Cuối cùng, chú thở hổn hển ngồi bệt xuống cầu thang và buồn sắp khóc. Chú cảm thấy mình vụng về tay chân, không thể làm tốt công việc và không đủ khỏe mạnh, không thể bê chồng sách dày và nặng này xuống cầu thang chật hẹp. Nghĩ mình không giúp được cha, chú cứ thấy đau lòng làm sao.
Người cha nhìn thấy tất cả nhưng chẳng nói gì, anh lẳng lặng thu dọn sách vở rơi trên sàn, đặt chúng trở lại trong lòng của con trai, sau đó dùng đôi tay khỏe mạnh của mình ôm lấy đứa con đang ôm ghì sách, ôm cả con trai và sách xuống lầu. Cứ thế lên lên xuống xuống, hết chuyến này đến chuyến khác, hai cha con vừa cười vừa nói hoàn thành nhiệm vụ: con trai chịu trách nhiệm ôm sách, cha chịu trách nhiệm ôm con trai.
Suy nghĩ của cha mẹ
Mỗi việc làm tốt của con đều nên nhận được sự khích lệ, dù chúng làm không tốt.
Để con cái cùng làm việc, có thể thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái, hơn nữa, con cái cũng sẽ cảm thấy mình là người có giá trị vì đã giúp được cha mẹ.
Cha mẹ thường trách con thiếu tinh thần trách nhiệm trong gia đình, không nghĩ đến nhu cầu của cha mẹ, Thực ra, tinh thần trách nhiệm và cảm giác giá trị liên quan mật thiết với nhau. Chỉ khi một người thấy việc làm của mình có thể gây ảnh hưởng với người khác, được người khác yêu thích và tôn trọng mới có được cảm giác tự hào một cách tự nhiên và từ đó tăng thêm tinh thần trách nhiệm của mình.